Thời gian gần đây, nhiều người tham gia Pi Network đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tinh vi, dẫn đến mất trắng số Pi tích lũy được trong thời gian dài. Một số người chơi phản ánh rằng họ đã bị đánh cắp khóa ví sau khi tin vào các chương trình "tặng Pi" hoặc lời mời chào "mua bán Pi giá cao" trên mạng xã hội.
Ông Hoàng Hải (60 tuổi), một người tham gia Pi Network từ năm 2020, là một trong những nạn nhân điển hình. Chia sẻ với phóng viên, ông Hải cho biết: "Sau khi nhập khóa ví 24 ký tự theo hướng dẫn từ một quảng cáo 'tặng Pi' trên mạng xã hội, gần 2.000 Pi tôi khai thác trong ví đã biến mất hoàn toàn". Ông Hải, vốn không rành về giao dịch Pi, chỉ lưu mã khóa ví để tiện kiểm tra số Pi khi cần, theo hướng dẫn của con trai. Sự cả tin vào quảng cáo hấp dẫn đã khiến ông mất đi thành quả "đào Pi" trong nhiều năm.
Trường hợp của bà Trương Hoa (56 tuổi) lại suýt trở thành nạn nhân của chiêu trò "mua bán Pi giá cao". Bà Hoa kể lại, "Thấy trên mạng có người rao mua Pi với giá 100 USD, cao hơn nhiều so với mức 2 USD trên một số sàn, tôi đã liên hệ để bán bớt số Pi mình đang có". Tuy nhiên, khi được yêu cầu truy cập vào một liên kết lạ và làm theo các bước hướng dẫn để chuyển Pi, bà Hoa đã nghi ngờ và kịp thời dừng lại, tránh được bẫy lừa đảo. "Họ còn đề nghị gọi video trực tiếp để hướng dẫn, nhưng tôi thấy quá đáng ngờ nên không làm theo", bà Hoa cho biết thêm.
Lừa đảo gia tăng khi Pi Network "mở mạng"
Ông Duy Anh, quản trị viên một nhóm Facebook về Pi Network với 160.000 thành viên, cho biết tình trạng lừa đảo đánh cắp ví Pi đã xuất hiện từ khi dự án còn trong giai đoạn "mainnet kín". Tuy nhiên, sau khi Pi Network chính thức "mở mạng" vào ngày 20/2, cho phép giao dịch Pi ra bên ngoài hệ thống, tần suất lừa đảo đã tăng mạnh. "Mỗi ngày, có hàng chục nội dung liên quan đến lừa đảo được chia sẻ lên nhóm, và tôi chỉ có thể duyệt những trường hợp điển hình để cảnh báo cộng đồng", ông Duy Anh chia sẻ.

Đồng Pi được giao bán và tặng trên nhiều nền tảng mạng xã hội
Theo ông Duy Anh, các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Trước đây, chiêu thức phổ biến là đăng tin mua Pi giá cao và đặt cọc một khoản tiền nhỏ để tạo lòng tin, sau đó dụ người bán chuyển hết Pi. "Gần đây, chúng ĐẦU TƯ hơn, chạy quảng cáo tặng Pi trên các mạng xã hội như X, Facebook, Google Ads để tiếp cận con mồi rộng hơn", ông Duy Anh nhận xét. "Để tạo cảm giác tin cậy, chúng còn sử dụng tương tác ảo, tạo dựng kịch bản đã có nhiều người nhận được Pi miễn phí".
Các chuyên gia nhận định, nhóm đối tượng mà kẻ lừa đảo nhắm đến thường là người lớn tuổi, ít am hiểu về công nghệ và tiền số, hoặc những người có lòng tham, mong muốn kiếm tiền dễ dàng từ việc "tặng tiền số miễn phí".
Cảnh báo từ chuyên gia an ninh mạng
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, cho biết hình thức lừa đảo phổ biến để đánh cắp tài khoản trực tuyến và ví tiền số là phát tán các tệp tin, đường dẫn chứa mã độc hoặc tạo ra các trang web giả mạo giống hệt trang chính thức để dụ nạn nhân nhập thông tin quan trọng. "Nếu người dùng làm theo hướng dẫn, họ có thể tự tay cài mã độc và 'dâng' tài khoản cho hacker", ông Thắng cảnh báo.
.png)
Nhiều người dùng bị mắc bẫy vào những giao dịch
"Khi xâm nhập vào thiết bị, mã độc sẽ thực hiện các bước để chiếm đoạt tài khoản và rút sạch tiền, người dùng hầu như không thể can thiệp", ông Thắng cho biết thêm. Ông khuyến cáo người dùng cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không tin vào các hướng dẫn từ người lạ, luôn nghi ngờ các liên kết lạ và hạn chế tối đa việc nhấp vào các đường dẫn không rõ nguồn gốc.
Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lừa đảo tiền ảo ngày càng phức tạp. Người dùng Pi Network nói riêng và người dùng tiền ảo nói chung cần hết sức thận trọng, trang bị kiến thức về an ninh mạng và luôn cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn trên mạng xã hội để bảo vệ tài sản của mình.